Theo con đường quốc lộ quanh co giữa một bên là núi, bên kia là biển, từ xa đã thấy ngọn hải đăng Mũi Điện (hay còn gọi là hải đăng Đại Lãnh) đứng sừng sững ở đầu phía đất nhô ra biển, cao vợi nổi bật trên nền trời xanh. Từ chân núi nơi đặt hải đăng, một đường bộ với hàng rào màu trắng, lối lên gồm các bậc dốc lên tới điểm ngắm bình minh, một đường mòn chạy thẳng ra biển Bãi Môn với bãi cát vàng tuyệt đẹp.
Hành trình leo núi phải mất hơn 1km mới tới được ngã ba: một đường lên ngọn hải đăng, một đường ra Mũi Điện, trên tấm biển chỉ còn ghi là Mũi Rạng Đông, mũi đất để ngắm mặt trời lên từ mặt biển. Ở Mũi Điện vẫn còn đặt tấm bia ghi “Hải đăng Mũi Điện - Điểm cực đông, nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam”. Mặc dù hiện nay, đã có nhiều ý kiến về việc điểm đón bình minh đầu tiên của Việt Nam thuộc về một địa danh của Khánh Hòa, nhưng Mũi Điện vẫn được coi là một trong những điểm đón bình minh đầu tiên trên đất liền của lãnh thổ nước ta.
Muốn tận hưởng cảm giác nhìn mặt trời nhô lên từ bãi biển, thường là lúc 5h sáng thì phải xuất phát từ thành phố Tuy Hòa khá sớm, bởi quanh Mũi Điện không có khách sạn, nhà nghỉ nào ở gần. Nhiều bạn trẻ hiện nay đã chọn cách tới đây từ chiều hôm trước, xin phép các cán bộ làm việc tại đây được dựng lều, ngủ qua đêm để “đợi mặt trời”. Trong đêm tối, được nghe sóng biển rì rào, nhìn lên phía bên kia là ánh đèn tỏa ra từ tháp đèn hải đăng Mũi Điện là một trải nghiệm thú vị. Nhiều nhóm bạn trẻ khi tới đây đã chọn cho mình những trang phục áo đỏ, có in sao vàng, chụp những bức ảnh đón bình minh rạng ngời, hay đưa tay lên ngực hiên ngang nhìn ra biển đảo quê hương, mới thấy hết sự thiêng liêng, như bao lần đặt tay lên ngực chào cờ Tổ quốc nơi cực Bắc Lũng Cú, hay chạm tay vào cột mốc nơi đất mũi Cà Mau.
Ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng từ năm 1890.Tháp đèn hải đăng là một khối hình trụ thon đều, cao 26,5m so với nền tòa nhà và cao 110m so mặt nước biển.Ánh đèn từ ngọn hải đăng này có thể phát tín hiệu xa 27 hải lý.Sau một thời gian dài họat động gián đoạn, khoảng năm 1997 thì ngọn hải đăng này mới hoạt động trở lại bình thường. Đến giờ, quanh khu vực tháp vẫn đang tiếp tục xây dựng thêm một số công trình nhà ở cho cán bộ của trạm. Lối để lên đến ngọn tháp là cầu thang gỗ có 110 bậc. Từ lan can bên ngoài của ngọn hải đăng phóng tầm mắt ra bốn phía, mặt biển trước mắt xanh trong, những đám mây bay lãng đãng từ phía chân trời. Một bên là biển Bãi Môn sóng vỗ rì rào, bên kia là vách đá dựng đứng ăn ra biển, sóng đánh vào bờ trắng xóa dưới chân núi. Sau lưng ngọn hải đăng là những dãy núi trập trùng.
Ngay dưới chân ngọn hải đăng có thể nhìn lối sang phía Mũi Điện, với những tảng đá lớn dọc lối đi. Thuyền bè trở thành những điểm di động nhỏ xíu trên mặt biển xanh. Đứng trên cao, hít hà gió biển trong không gian khoáng đạt, khi mới ngày qua mưa như trút nước mới thấy mình đang tận hưởng một cảm giác thật tuyệt vời!
Những người lính hải đăng hiếu khách và trở thành những “thuyết minh viên” rất tận tình. Nhiều người từ miền Bắc, miền Trung vào đây làm việc mang theo cả nỗi nhớ nhà trong từng câu chuyện. Những câu chuyện về biển đảo, lịch sử những lần sáng tỏ của ngọn hải đăng, những con thuyền neo đậu trú bão, chuyện đón Tết xa nhà… đều trở thành những món quà cho người khách từ phương xa tới.
Dưới chân mũi Đại Lãnh là biển Bãi Môn, với bãi cát vàng chạy dài, nước màu ngọc bích, trong xanh nhìn thấu đáy.Theo chị Nguyễn Thị Xuân Lan (Giám đốc Công ty Du lịch Golden Life, Bình Định), ở phía nam Bãi Môn có một con suối nước ngọt ngay trên bãi cát biển.
Từ Mũi Điện, có thể tiếp tục hành trình khám phá xứ Nẫu, với các địa danh như khu di tích Vũng Rô với câu chuyện về những con tàu không số đã làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoặc ngược lên đèo Cả. Dọc đường đi, du khách dễ dàng nhìn thấy hai bên đường những cánh đồng lúa bạt ngàn, xanh mát, đàn bò đủng đỉnh gặm cỏ… như những thước phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.